Kiện toàn bộ máy nhân sự của VietTimes và Ban Pháp chế; tổ chức lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 và Giải thưởng Sáng tạo Nội dung số… là những nhiệm vụ quan trọng được VDCA thực hiện trong 5 tháng qua.
Sáng 2/6, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), cho biết trong 34 nhiệm vụ mà Hội đề ra trong cuộc họp đầu năm, các đơn vị trực thuộc Hội đang nỗ lực thực hiện với quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ này.
Ngoài ra, lãnh đạo Hội cũng nghiên cứu bổ sung thêm một số nhiệm vụ, công tác mới để Hội tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực hữu ích, đầu tiên là cho các thành viên trong Hội, sau đó là các cơ quan đơn vị thuộc Hội cũng như cho cộng đồng CNTT, truyền thông số.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được thực hiện tốt trong 5 tháng vừa qua là kiện toàn bộ máy nhân sự của Tạp chí điện tử VietTimes. Ông Nguyễn Minh Hồng cho biết Hội đã thực hiện đầy đủ quy trình bổ nhiệm cán bộ theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông; đã tìm người người lãnh đạo có tâm, có tài là ông Nguyễn Bá Kiên, nguyên Tổng biên tập báo Giao thông, về giữ vai trò lãnh đạo Tạp chí điện tử VietTimes từ tháng 3/2024, cũng như bổ sung nhân sự cho một số phòng ban của Tạp chí.
Việc thứ hai là kiện toàn nhân sự Ban Pháp chế. Với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) và sự thống nhất cao trong Ban thường vụ Hội, lãnh đạo Hội đã quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Lan Phương – chuyên viên nghiên cứu cao cấp của IPS, phụ trách Ban pháp chế của Hội.
Hai nhiệm vụ trọng tâm khác mà Hội sẽ thực hiện vào cuối năm nay là tổ chức Lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 và Giải thưởng Sáng tạo Nội dung số. Theo ông Nguyễn Minh Hồng, lễ phát động 2 giải thưởng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng CNTT và sáng tạo nội dung số.
Chủ tịch VDCA cho biết trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, hoạt động nhằm làm nổi bật vai trò tư vấn, phản biện cũng như thực hiện tốt công tác truyền thông số trong thời gian tới.
“Việc nào đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, việc nào chưa làm xong thì cố gắng làm cho xong, cho tốt”, ông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội thảo
Thay mặt Ban thường vụ báo cáo những kết quả đã đạt được trong 5 tháng qua và những nhiệm vụ sẽ triển khai trong 7 tháng cuối năm, ông Vũ Kiêm Văn, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch VDCA, cho biết 8 trong số 9 đầu việc đã thực hiện đúng theo tiến độ đã đề ra theo kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, số lượng công việc đã làm được mới chỉ đạt 1/4 chỉ tiêu so với 34 nhiệm vụ đã được Ban thường vụ Hội đề ra. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các Hội viên, các Trung tâm và đơn vị trực thuộc Hội.
Ông Văn đã liệt kê một số hoạt động nổi bật mà Hội đã triển khai trong thời gian qua gồm:
Tổ chức Hội nghị Ban chấp hành (BCH), Ban Thường vụ (BTV) mở rộng, triển khai nhiệm vụ năm 2024 với 34 nhiệm vụ trọng tâm.
Tổ chức sự kiện “Kick off with SVDCA 2024” do Chi hội Truyền thông số phía Nam chủ trì ngày 29/2/2024 nhằm triển khai các nhiệm vụ công tác Hội tại phía nam. Sự kiện quy tụ đông đảo đại diện từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, truyền thông, công nghệ.
Tham gia Hội Báo Xuân toàn quốc năm 2024 tại TP.HCM và đạt giải giành Giải Gian trưng bày xuất sắc.
Phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 (ngày 16/4/2024) và Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam năm 2024 (19/4/2024)
Hội đã tổ chức thành công hội nghị Smart City Asia, diễn ra từ ngày 17/4 đến 19/4 tại TP.HCM, và phối hợp với Chi hội Truyền thông số phía Nam chính thức ra mắt Hệ sinh thái 1.000+ nền tảng chuyển đổi số.
Ngoài ra, Hội đã phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Tọa đàm “Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số”. Chương trình tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4.
Về công tác phát triển hội viên, ông Vũ Kiêm Văn cho biết Hội đã kết nạp được 15 doanh nghiệp Hội viên mới. Đặc biệt, có nhiều Hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn được hợp tác sâu rộng hơn nữa với VDCA.
Về hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, VDCA đã tham gia góp ý nhiều dự thảo Luật, đề án, chương trình như: Nghị định về dữ liệu dùng chung, Chiến lược phát triển game online tại Việt Nam, tiêu chuẩn TCVN về trí tuệ nhân tạo, Mô hình Ngôn ngữ lớn tiếng Việt và Trợ lý ảo Việt Nam.
Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch VDCA cho biết trong 7 tháng cuối năm, các đơn vị trực thuộc sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2024 của Hội đã được Ban Thường vụ phê duyệt.
Doanh nghiệp nước ngoài muốn trở thành hội viên của VDCA
Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký CLB Liên minh sáng tạo Nội dung số (DCCA), cho biết có một công ty giải trí của Trung Quốc ngỏ ý muốn mở chi nhánh của DCCA tại Trung Quốc và phát triển hội viên Trung Quốc cho DCCA. Công ty này có văn phòng ở Tô Châu, Hàng Châu, Vô Tích, Vân Nam.
Ngoài ra, có một nền tảng mạng xã hội của Mỹ tương tự như YouTube cũng đang muốn hợp tác sâu rộng với DCCA ở thị trường Việt Nam.
Nếu cơ chế cho phép thì việc trở thành Hội viên của DCCA cũng đồng nghĩa là Hội viên của VDCA. Đây là một hướng đi mới, mở ra những cơ hội hợp tác, tận dụng sức mạnh tiềm năng đối tác nước ngoài mà bà Quyên đề nghị ban lãnh đạo cũng như Ban pháp chế của Hội xem xét.
Cũng theo bà Quyên, trong 5 tháng qua, DCCA đã kết nạp được thêm 29 hội viên mới, nâng tổng số hội viên của DCCA lên thành 51. DCCA đã tổ chức được 8 sự kiện kết nối hội viên và tọa đàm về nội dung số.
Trong tháng 6 này sẽ chủ trì tổ chức một tọa đàm và triển lãm trong khuôn khổ Telefilm tại TP.HCM và những tháng cuối năm sẽ tổ chức 2 tọa đàm về giải bài toán dữ liệu cho phát triển nội dung số.
Ông Đặng Kim Long, Giám đốc đối ngoại Huawei Việt Nam, nói rằng trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ICT nước ngoài mong muốn hợp tác với Hội và các đơn vị thuộc Hội, thì VDCA có thể hỗ trợ truyền thông, giúp doanh nghiệp nước ngoài tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, theo ông Long, VDCA có thể đóng vai trò tư vấn pháp lý, chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài khi họ có ý định tham gia vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài cần có các đối tác như VDCA để hỗ trợ, tư vấn về chính sách pháp lý, đường đi nước bước, đầu tư thế nào để tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ông Long đề xuất VDCA thành lập Ban Hợp tác quốc tế để điều phối chung các hoạt động liên quan.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho các hội viên
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Tạp chí điện tử VietTimes, cho biết một trong những ưu tiên trong nội dung của Tạp chí là tuyên truyền cho hoạt động của các hội viên VDCA. Tạp chí sẽ hỗ trợ hết mình để giúp các hội viên giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình đến với công chúng độc giả trong và ngoài nước.
Ngoài ra, với đội ngũ nhà báo rất có kinh nghiệm, VietTimes có thể làm dịch vụ truyền thông hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trực thuộc Hội.
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên cho biết tạp chí đã kiện toàn văn phòng miền Nam và sẽ tiếp tục bổ sung nhân sự mảng công nghệ nhằm đáp ứng nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Hội, tuyên truyền chủ trương chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông số với những bài viết hay, sắc sảo hơn nữa.
Chi hội Truyền thông số phía Nam (SVDCA) thời gian qua đã có những hoạt động rất tích cực trong việc liên kết hội viên cũng như tổ chức các chương trình, hội thảo hữu ích về CNTT và truyền thông số.
Ông Võ Thanh Mỹ – Chi hội trưởng SVDCA – cho biết Chi hội đã kết nạp được 13 hội viên mới. Dự kiến thời gian tới sẽ tổ chức chương trình tham quan TechTour tại một số doanh nghiệp của Thái Lan, cũng như phối hợp với VDCA tuyên truyền tới các doanh nghiệp phía Nam tham gia Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024.
Sau hơn 2 năm hoạt động, số lượng hội viên tham gia SVDCA ngày càng tăng, dẫn đến vai trò ngày càng nhiều, phát sinh thêm cơ chế. Ông Mỹ cho biết SVDCA rất cần sự hướng dẫn của Hội trong việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ với hội viên, cũng như mong muốn được kết nối nhiều hơn với các đơn vị phía Bắc.
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số thuộc VDCA, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Chi hội Nhà báo Truyền thông số cho biết thời gian tới. Chi hội sẽ kiện toàn hội viên với sự tham gia của một số nhà báo mới chuyển công tác về Tạp chí điện tử VietTimes. Chi hội cũng sẽ tổ chức Đại hội vào dịp cuối năm.
Mặc dù mới thành lập được 2 năm nhưng Chi hội nhà báo Truyền thông số cũng đã có những hoạt động tích cực, đóng góp cho uy tín của VDCA như tham gia hội báo toàn quốc 2 năm liền đều đạt được giải thưởng.
Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Truyền thông và Phát triển hội viên cho biết, giai đoạn vừa qua Ban Truyền thông và Văn phòng Hội đã kết nối với một số đối tác của Singapore và Thái Lan để tổ chức các chương trình, sự kiện về CNTT tại nước ngoài. Các chương trình này đã nhận được sự tham gia và sự quan tâm lớn từ người dân nước sở tại.
Thượng tá Trịnh Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm truyền thông Ký ức người lính – nói rằng nhiệm vụ của Trung tâm trong thời gian qua là triển khai công trình sách ký ức người lính với tinh thần là xây dựng một bộ sử dân tộc mang tính nhân dân, để cho người đọc hiểu được sự hy sinh to lớn của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thượng tá Trịnh Hồng Minh mong muốn có sự hỗ trợ từ các chuyên gia của các đơn vị trong Hội, nhất là các chuyên gia về công nghệ, truyền hình, dữ liệu để xây dựng thành công bộ sách này.
Học hỏi mô hình Hàn Quốc
Phát biểu tại hội nghị, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên hội đồng cố vấn VDCA đánh giá cao hoạt động của Hội thời gian qua, đặc biệt là việc kiện toàn nhân sự của các đơn vị thành viên.
Ông Phúc đã nêu ra một thực tế rằng con người Việt Nam có rất nhiều ý tưởng về công nghệ, tuy nhiên việc triển khai còn chậm. Ông Phúc cho biết đã từng tham quan và làm việc với chính phủ Hàn Quốc.
Các quan chức Hàn Quốc nói với ông rằng sở dĩ quốc gia này phát triển như ngày nay là nhờ có các chính sách đúng đắn về CNTT. Hàn Quốc đã lập một Văn phòng riêng về CNTT trực thuộc Chính phủ.
Ông Phúc cho rằng Việt Nam có thể học hỏi theo mô hình của Hàn Quốc – coi trọng CNTT. VDCA với vai trò là tổ chức xã hội trong lĩnh vực này, có thể kết nối với các Hội và Hiệp hội khác để huy động sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đoàn kết, từ đó ảnh hưởng của VDCA đối với xã hội và cộng đồng CNTT sẽ ngày càng cao.
Ngoài ra, theo ông Thang Văn Phúc, VDCA cần chọn lựa hội viên, thành viên tiêu biểu để lan tỏa giá trị, công nghệ, phương thức, cách thức để đi nhanh hơn trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông số.
“Tài năng người Việt rất lớn nhưng thiếu bà đỡ thực sự. Nhà nước phải là bà đỡ của sự phát triển, để doanh nghiệp lớn mạnh lên, làm giàu lên, quay lại đóng góp vào sự thành công của đất nước”, ông Phúc nói.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch VDCA – cho rằng Hội cần tích cực phát huy tính chủ động trong hoạt động truyền thông số. Hoạt động của VDCA cần gắn với các sự kiện, chủ đề lớn của quốc gia, chẳng hạn như phối hợp tổ chức chuyên đề chuyển đổi số nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân…
Trong Hội nghị lần này, các ủy viên BTV và BCH đã biểu quyết kết nạp thêm 2 thành viên mới vào BCH VDCA, đó là ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông; và ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Tổng giám đốc Nam Á Bank.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo VDCA và các ủy viên BCH đã dành 1 phút mặc niệm ông Nguyễn Việt Anh, Ủy viên BCH, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT và Phát triển truyền thông số (CAD) vừa từ trần hôm 31/5.
Nguồn: Viettimes
Comments are closed